TRIỂN VỌNG DU LỊCH VIỆT NAM 2023
Qua hai năm dài đại dịch COVID-19 và năm thứ nhất của quá trình phục hồi, phản ứng của chính quyền nói chung và doanh nghiệp nói riêng cho thấy thị trường và các cơ quan chức năng đang học cách đối phó với đại dịch và thích nghi với “bình thường mới”. Tất cả những điều này được phản ánh trên một kết luận chung rằng xã hội sẽ phải sống chung với COVID-19 trong một thời fian nữa, nhưng ít nhất là ở các thị trường, COVID-19 không còn là rào cản nghiêm trọng cho việc đi lại và hoạt động du lịch.
Du lịch nội địa năm 2022 dẫn lối phục hồi hoạt động ngành du lịch Việt Nam
Theo như báo cáo của Tổng cục du lịch (VNAT), du lịch nội địa và du lịch quốc tế tại Việt Nam đã chứng kiến sự phục hồi đáng kể vào năm 2022 từ mức thấp kỉ lục ghi nhận được từ năm 2021. Du lịch nội địa đã liên tục trở lại mạnh mẽ với mức tăng trưởng cao kỉ lục (+153.3%) và vượt qua tổng lượt khách ghi nhận năm 2019 với 19.2% sau 12 tháng gỡ bỏ các hạn chế từ đại dịch. Trong khi đó, du lịch quốc tế vẫn đang từng bước trở lại với tổng lượt khách ở mức ⅓ trước đại dịch (-79.7%).

Theo ForwardKeys, Việt Nam được ghi nhận là một trong nhóm những quốc gia và vùng lãnh thổ đứng cuối bảng xếp hạng về phục hồi du lịch quốc tế với tỉ lệ phục hồi bằng 23% năm 2019, chậm hơn so với tỉ lệ phục hồi trung bình của thế giới (55%). Mặc dù tỉ lệ phục hồi của Việt Nam gần bằng với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (24%), nhưng nếu xét riêng khu vực Đông Nam Á, thì Việt Nam có tỉ lệ phục hồi chậm nhất trong số những quốc gia đã được khảo sát.
Chuỗi cung ứng du lịch cả nước trở lại đường đua
Bên cạnh những số liệu về quá trình phục hồi của du lịch Việt Nam, chuỗi cung ứng du lịch cũng là một yếu tố quan trọng giúp nâng cao chất lượng cũng như là tiến độ phục hồi của ngành du lịch Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống năm 2022 đạt 578.7 nghìn tỉ đồng, tăng 52.5% so với cùng kỳ năm trước và gần chạm mức 2019 (1.3%), số liệi này cho thấy hoạt động lưu trú ăn uống đã gần như phục hồi hoàn toàn so với thời điểm trước dịch. Tính tới hết tháng 6/2022, cả nước có khoảng 33,330 cơ sở lưu trú du lịch với 667,000 buồng, số lượng cơ sở lưu trú tăng 11% so với năm 2019. Cũng giống như doanh thu, số lượng cơ sở lưu trú hoạt động đã phục hồi và thậm chí vượt thời điểm năm 2019.
Doanh thu du lịch lữ hành năm 2022 đạt 24.5 nghìn tỉ đồng, gấp 5.3 lần so với cùng kì năm trước và bằng 74.9% so với năm 2019. Tính đến ngày 21/11/2022, cả nước có 2,878 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, tăng 8% so với năm 2019 (2,667 doanh nghiệp). Còn về doanh nghiệp lữ hành nội địa, tính đến tháng 6/2022, có 1,060 doanh nghiệp đã được các địa phương cấp phép, tăng hơn gấp đôi so với thời điểm năm 2019 (khoảng trên 500 doanh nghiệp).
Hàng không Việt Nam đang phục hồi tốt
Theo thống kê của Cục Hàng Không Việt Nam, số chuyến bay khai thác năm 2022 ước đạt 312.8 nghìn chuyến, tăng 147.7% so với năm 2021 và bằng 95.7% năm 2019. Tốc độ phục hồi nhanh chóng của năm 2022 được dự báo sẽ duy trì vào Quý 1/2023. Công suất khai thác hàng không ở Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam đều có triển vọng vượt mức 2019 trong một vài tháng mới.

Xu hướng khách du lịch 2023
Thực tế cho thấy rằng, dù đặc điểm thái độ và hành vi của khách du lịch đã được hình thành qua quá trình diễn ra đại dịch, chỉ một số ít trong số này có khả năng tồn tại lâu dài. Hoạt động kinh doanh và du lịch quốc tế đã bị ảnh hưởng trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch, nhưng kể từ đó, các biên giới đã được mở ra và các doanh nghiệp đã đưa các chính sách mới về nơi làm việc, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự gia tăng cả du lịch giải trí và công tác vào năm 2023.
Nếu phải các định một đặc tính tâm lý rõ ràng xuyên suốt nhất của năm 2022, thì đó chính là việc du khách coi trọng quyền tự do đi lại và tận hưởng những trải nghiệm giải trí hơn. Mặc dù xuất hiện những cân nhắc, lo ngại về tài chính trong quá trình lên kế hoạch và tìm kiếm dịch vụ cho các chuyến đi, nguồn năng lượng và nhu cầu tìm kiếm, làm giàu thêm các trải nghiệm du lịch này được dự báo vẫn sẽ tiếp tục trong năm 2023. Một điều chắc chắn cho bức tranh du lịch Việt Nam 2023 là sẽ không có một xu hướng du lịch nào quan trọng chi phối thị trường cung và cầu du lịch. Thay vào đó là những thay đổi từ các mối tương quan từ các yếu tố môi trường chi phối thị trường, từ đó định hình những xu hướng du lịch mà các doanh nghiệp phải theo dõi liên tục, thường xuyên để linh hoạt phản ứng.

Các yếu tố tác động định hình xu hướng du lịch Việt Nam 2023, theo The Outbox Company.
Đặc tính hành vi du lịch đáng chú ý trong năm 2023
1. Tìm kiếm những kỳ nghỉ thông minh và chọn lọc hơn
Người đi du lịch sẽ tìm kiếm những cách khác nhau để tận hưởng những lợi ích của du lịch và các chuyến đi mà không làm tăng thêm áp lực tài chính do lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng gây ra. Sự không chắc chắn và chi phí ngày càng tăng sẽ làm cho những người tâm lý du lịch “trả thù” vào năm ngoái sẽ tỉnh táo hơn trong các lựa chọn. Do đó mặc dù lo ngại về vấn đề tài chính, nhiều người vẫn sẽ duy trì nhu cầu mạnh mẽ đối với những trải nghiệm giải trí và sẽ tìm cách thoả mãn nó thông qua việc lựa chọn những kỳ nghỉ, những chuyến đi thông minh hơn (những kì nghỉ ngắn ngày, tới những điểm đến gần hơn và lựa chọn những dịch vụ đảm bảo chi phí bỏ ra xứng với giá trị thực sự nhận lại khi tiêu dùng)
2. Du lịch trở thành một cách để tìm kiếm giá trị sức khoẻ, cân bằng về tinh thần
Nếu như ở một vài năm trước xu hướng du lịch chăm sóc sức khoẻ (wellness) là một trong những xu hướng có tính định hình thị trường, thì sau đại dịch, wellness trong du lịch được tiếp nhận rõ ràng và rộng rãi hơn, trở thành một phần trong nhu cầu và đối với một vài nhóm khách là yêu cầu trong các chuyến đi của họ. Một số chủ đề có thể rút ra từ xu hướng này bao gồm: du lịch tái sinh, thư giãn, du lịch không để lại dấu chân carbon,... Du khách có xu hướng lựa chọn những điểm đến mới, những trải nghiệm có tính chất chữa lành, hoặc lựa chọn những điểm đến hay cơ sở lưu trú có các hoạt động chăm sóc sức khoẻ.
3. Yếu tố bền vững trở thành tiêu chuẩn mặc định
Ngày càng nhiều du khách mong muốn tạo ra các tác động tích cực đến những nơi họ đến thăm, nhưng họ cảm thấy khó có thể chịu được trách nhiệm về điều đó và sẽ đặt mong đợi vào các công ty du lịch đi đầu trong việc tạo ra sự bền vững một cách dễ dàng. Các công ty và nhà cung cấp dịch vụ nhạy bén về sự thay đổi nhu cầu này sẽ bắt đầu tổ chức lại các hoạt động của họ để làm cho việc tiêu dùng, đi du lịch có trách nhiệm trở nên dễ dàng hơn. Mọi nỗ lực nhằm quảng bá những thay đổi trong thiết kế các trải nghiệm nghỉ dưỡng, và giải trí sẽ được đánh giá cao bởi những nhóm du khách có ý thức về tính bền vững.
Dự báo phục hồi thị trường 2023
a. Kỳ vọng làn sóng du lịch nước ngoài trở lại từ thị trường Trung Quốc sẽ tạo cú hích quan trọng cho sự phục hồi của các điểm đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Chỉ tiêu du lịch quốc tế trên toàn cầu được dự báo đạt 83% mức đỉnh năm 2019, và hoàn toàn phục hồi vào năm 2024. Sự trở lại của thị trường outbound Trung Quốc sẽ dần bắt nhịp vào quý 1/2023 khi số ca nhiễm của biến chủng Covid vẫn còn gia tăng ở đại lục cũng như những căng thẳng địa chính trị bên ngoài với những hạn chế du lịch được thiết lập ở một số nơi. Kỳ vọng làn song trở lại của thị trường outbound lớn nhất thế giới này sẽ được gia tốc từ quý 2/2023 trở đi với dự báo mức tang chi tiêu du lịch ở nước ngoài hơn 400% vào năm 2023 (Euromonitor).

b. Thời điểm trở lại của du khách Trung Quốc
Du lịch nước ngoài từ Trung Quốc được kỳ vọng trở lại từ Quý 2, đặc biệt vào dịp lễ Lao Động đầu tháng 5. Những điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất bao gồm Singapore, Bangkok, Tokyo và Seoul.

c. Du lịch Việt Nam 2023 cần những nỗ lực đồng bộ hơn để thu hút trở lại các thị trường khách quốc tế
Phục hồi du lịch nước ngoài ở các khu có sự khác biệt khá rõ rệt, trong đó, các thị trường gửi từ khu vực Bắc Mỹ và Châu Âu được dự báo trong năm 2023 sẽ phục hồi lần lượt ở mức 84.2% và 85.8% so với tổng số chuyến đi thực hiện năm 2019. Các thị trường gửi từ khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á trở lại nhanh hơn, tuy nhiên tổng lượt chuyến đi của du khách từ các thị trường này dự báo 2023 vẫn ở mức 31.1% và 37.1%, dưới mức 2019. Du lịch quốc tế Việt Nam 2023, với sự trở lại của thị trường Trung Quốc, kỳ vọng sẽ thu hút lại các thị trường quan trọng chiếm tỷ trọng cao như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và các thị trường xa như Mỹ, Anh, Úc,… Cân nhắc các yếu tố tác động, và sự nỗ lực đồng bộ của các cơ quan quản lý điểm đến và doanh nghiệp, kỳ vọng phục hồi du lịch quốc tế của Việt Nam vào năm 2023 sẽ được 60%-65% mức 2019.

d. Sự trở lại của các thị trường khách quốc tế đến Việt Nam
Sau 1 năm mở cửa trở lại, du lịch quốc tế đến Việt Nam phục hồi chậm và nhiều trở ngại hơn dự kiến. Theo thống kê của VNAT, năm 2022, Việt Nam chỉ đón 2.7 triệu lượt khách quốc tế, ở mức 85% so với năm 2019. Kết quả này phần lớn là do sự vắng mặt của du khách thuộc top thị trường trọng điểm, với tỷ lệ khách trở lại cao nhất chỉ đạt 31.8% (Thái Lan). Trong khi đó, 4 thị trường lớn chiếm gần 65% tổng lượt khách chỉ trở lại cao nhất ở mức 17.9% đối với thị trường Hàn Quốc, và 1.2% đối với khách Trung Quốc.
Với xu hướng trở lại của du khách quốc tế năm 2022, có thể thấy rằng các thị trường với chặng bay ngắn và trung bình, bao gồm các thị trường lân cận như Thái Lan, Malaysia, và từ các tiểu khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan có xu hướng trở lại nhanh hơn. Những thị trường với chặng bay dài như Châu Âu sẽ quay trở lại chậm hơn do chi phí hàng không cũng như mức độ lo ngại của du khách về tác động của mức giá tiêu dung tăng cùng lạm phát.
Sau quyết định mở cửa chính thức từ tháng 2/2023, du lịch quốc tế từ thị trường Trung Quốc được dự báo sẽ đạt 110 triệu vào năm 2023, gần 2/3 số 155 triệu chuyến đi năm 2019. Sự trở lại của thị trường này đặc biệt quan trọng đối với khu vực APAC, với Trung Quốc chiếm ¼ lượng khách đến khu vực. Đông Nam Á (22%) và Đông Bắc Á (33%) đặc biệt phụ thuộc vào Trung Quốc như một thị trường nguồn quan trọng.
Du lịch nước ngoài từ Hàn Quốc được dự đoán sẽ vượt mức trước đại dịch vào năm 2024 với các chuyến khởi hành quốc tế tang với tốc độ tang trưởng kép hàng năm (CAGR) là 7.3% từ năm 2022 đến 2025. Đến năm 2025, các chuyến khởi hành quốc tế dự kiến sẽ đạt 30.3 triệu
Đồng Yên suy yếu là một trong những nhân tố kích thích nhu cầu du lịch quốc tế đến Nhật Bản, nhưng điều tương tự không thể xảy ra đối với du lịch nước ngoài vì chi phí trở nên đắt đỏ hơn. Trái ngược với việc vé máy bay cho các chuyến bay từ nước ngoài đến Nhật Bản tang vọt theo nhu cầu, vé máy bay cho các chuyến bay từ Nhật Bản đến một quốc gia khác vẫn ở mức thấp 20% so với mức trước đại dịch.
e. Triển vọng ngắn hạn của du lịch quốc tế đến Việt Nam
· Theo đà phục hồi của các thị trường quan trọng từ giữa và cuối năm 2022 đến nay, triển vọng phục hồi khả dĩ nhất cho du lịch quốc tế đến Việt Nam là 40% so với năm 2019, tương đương với 7.2 triệu lượt.
· Kịch bản tích cực nhất khi tốc độ phục hồi của các thị trường đạt được mức tối ưu sẽ mang lại cho du lịch quốc tế Việt Nam 10 triệu lượt khách, tương đương 60% so với năm 2019.
· Tuy nhiên, trong kịch bản ít lạc quan hơn, khi sự không chắc chắn về những tác động của yếu tố kinh tế và cuộc đua khốc liệt thu hút trở lại thị trường khách Trung Quốc từ các điểm đến trong khu vực sẽ tạo ra sức ép không nhỏ khiến phục hồi du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 6.3 triệu lượt, tương đương 35% so với năm 2019.

Nguồn: The Outbox Company